Nhà thờ tộc ở Lý Sơn – Địa điểm du lịch đảo Lý Sơn nên ghé

Nhà thờ tộc là một trong những nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa và lịch sử của nước ta. Đây cũng là một trong các địa điểm du lịch đảo Lý Sơn bạn không nên bỏ lỡ. Cùng Vi vu Lý Sơn khám phá những thông tin chính xác nhất về nơi này nhé!

>>>> THAM KHẢO NGAY: Top 15 địa điểm du lịch Lý Sơn.

1. Nhà thờ tộc Lý Sơn ở đâu? Ý nghĩa của nhà thờ tộc

Cách đây khoảng 400 năm, những người Việt đầu tiên đã đặt chân lên đảo Lý Sơn và tiến hành khai phá nơi đây. Nhà thờ tộc ở Lý Sơn là nơi thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, đã có công khai khẩn đất đai, mở rộng, giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống chung của người dân trên vùng biển đảo này. 

Hiện nay, Lý Sơn có 50 nhà thờ tộc, bao gồm: 

  • 2 nhà thờ tiền hiền của làng;
  • 13 nhà thờ chi trưởng;
  • Hơn 35 nhà thờ các chi phái.

Nhà thờ tiền hiền đảo Lý Sơn là những nhà thờ tộc chung bề thế nhất nơi đây, được đặt ở làng An Vĩnh và làng An Hải, trong đó:

  • Nhà thờ tộc ở làng An Vĩnh thờ lục tộc tiền hiền, gồm 6 vị tiên công thuộc các họ tộc: Văn Võ, Trần, Võ Xuân, Phạm Văn, Phạm Quang, Nguyễn.
  • Nhà thờ tộc ở đình làng An Hải thờ thất tộc tiền hiền, gồm 7 vị tiên công thuộc các họ tộc: Nguyễn, Võ, Trương, Dương, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình, Lê.

Nhà thờ tộc ở Lý Sơn không những là nơi thờ cúng mà còn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa, lịch sử trải qua hàng trăm năm hình thành của huyện đảo.

Tham khảo địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Lý Sơn: 

>>>> Chùa Hang Lý Sơn.

>>>> Chùa Đục Lý Sơn.

>>>> Đình làng An Hải Lý Sơn.

2. Những quy định chung của nhà thờ tộc ở Lý Sơn

Việc xây dựng và duy trì các nhà thờ tộc ở Lý Sơn đều do sự đóng góp đất đai, của cải và công sức tự nguyện của các dòng họ, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" hết sức sâu nặng của người dân Lý Sơn từ xưa đến nay. 

Hàng năm, ở các nhà thờ tộc sẽ diễn ra các buổi tế lễ, thờ cúng tổ tiên, những người có công với lịch sử phát triển vùng biển đảo Lý Sơn nói riêng và lịch sử xây dựng - giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung.

Theo đó, trưởng tộc của các họ tộc có trách nhiệm đứng tế lễ tại nhà thờ tiền hiền và đình làng. Dưới thời nhà Nguyễn, để thể hiện trách nhiệm với thần linh, các vị tiên công và cộng đồng làng, các làng quy định cứ vào dịp lễ tế đình, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thì luân phiên mỗi họ tộc sẽ lo phần lễ cúng. 

Khi đến phiên họ tộc nào lo liệu lễ cúng thì các vị trưởng tộc dù ở xa đến đâu cũng sẽ phải quay về để tham gia cúng thần. Trong trường hợp bất đắc dĩ, vị trưởng tộc không thể quay về thì con cái của họ hoặc vị trưởng tộc của phái nhì sẽ được ủy thác thực hiện trách nhiệm này. Thời bấy giờ, trong các họ tộc, chỉ có con thứ được gia nhập vào đội lính Hoàng Sa, còn con trưởng sẽ phải ở lại, lo việc chung của làng. 

Ngày nay, hầu hết các họ tộc đã có nhà thờ chung của tộc. Dần dần, họ tộc phát triển ra nhiều chi, mỗi chi lại có một nhà thờ riêng để sinh hoạt, thờ cúng. Trong mỗi họ tộc sẽ lập hội đồng gia tộc, mà đứng đầu là các vị trưởng tộc - những người có tri thức, đạo đức và uy tín. 

Hàng năm, vào các dịp cúng tế xuân, thu, con cháu trong họ tộc sẽ tập trung về nhà thờ để tham gia lễ tế. Chi phí để tổ chức các buổi lễ cúng sẽ là thu nhập của mảnh ruộng hương hỏa của tộc do con trai trưởng cai quản, nếu trường hợp con trai trưởng không có con trai nối dõi hoặc đi làm ăn xa thì con trai thứ sẽ đảm nhiệm thay thế. Ngoài ra, các chi phí sinh hoạt khác của nhà thờ tộc là do đóng góp tự nguyện của mọi người trong dòng tộc.

>>>> THAM KHẢO NGAY: Kinh nghiệm du lịch Lý Sơn - chia sẻ chi tiết từ A - Z.

3. Nhà thờ tộc ở Lý Sơn - Nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa, lịch sử

Nhà thờ tộc ở Lý Sơn được thiết kế và xây dựng công phu, tỉ mỉ, mang trong mình những nét chạm khắc sắc nét là những chứng tích văn hóa, lịch sử lâu đời. Không những thế, tại đây còn lưu giữ rất nhiều tài liệu quan trọng có giá trị lịch sử không chỉ với người dân huyện đảo mà còn cả với đất nước Việt Nam. Hầu hết các tài liệu này được viết trên giấy dó, bằng chữ Hán và chữ Nôm, được các họ tộc bảo quản rất cẩn thận. 

Trong những tài liệu được tìm thấy ở các nhà thờ tộc Lý Sơn, có tầm quan trọng và ý nghĩa nhất phải kể đến là tư liệu khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhờ vào những tài liệu này, Việt Nam đã có thể chứng minh cho bạn bè quốc tế về nguồn gốc và quyền sở hữu hai quần đảo trong những lần tranh giành chủ quyền với Trung Quốc và các nước láng giềng. 

Ngoài ra, tại nhà thờ tộc Lý Sơn cũng lưu giữ những tài liệu quan trọng của các họ tộc, bao gồm: gia phả, lịch sử họ tộc, ngày giỗ kỵ, tộc ước, bằng cấp, địa bạ, giấy tờ mua bán... giúp con cháu đời sau hiểu biết và ghi nhớ công lao của tổ tiên, ông bà cũng như duy trì những nét văn hóa truyền thống đẹp của các bậc tiền nhân.

Hơn nữa, các nhà thờ tộc Lý Sơn còn là nơi thực hiện lễ tế lính Hoàng Sa, nhằm tri ân, tưởng nhớ các binh phu đã tử nạn khi làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi xưa. Điều này góp phần thể hiện được tinh thần, truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của người dân Lý Sơn nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. 

Trên đây, Vi vu Lý Sơn đã đề cập đến những thông tin chi tiết về nhà thờ tộc ở Lý Sơn mà không phải ai cũng biết. Đây là một trong những tồn tại quan trọng chứng minh cho lịch sử hình thành huyện đảo, cũng như chủ quyền lãnh thổ của nước Việt Nam. Ngoài ra, những nét văn hóa đặc sắc, tinh thần uống nước nhớ nguồn của người dân Lý Sơn được thể hiện rõ trong các hoạt động của nhà thờ tộc từ xưa cho đến nay.

>>>> BÀI VIẾT LIÊN QUAN: 

0 (0 bình chọn)

Cậu Tỏi

Mang trong mình sự chất phác, vui vẻ, nồng hậu, Cậu Tỏi đã trở thành một người đồng hành để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các du khách đặt chân tới Lý Sơn. Là một người con Lý Sơn, Tỏi luôn sẵn lòng chia sẻ mọi điều hay ho và cùng bạn khám phá nét đẹp trong từng góc nhỏ của hòn đảo hoang sơ, thân thiện.