Thiêng liêng lễ Tạ ơn, lễ Thượng nêu ngày Tết ở đảo Lý Sơn

Lễ tạ ơn (lễ hoàn nguyện) và lễ thượng nêu (lễ Trồng đu lên phướn) là 2 lễ hội ngày tết thiêng liêng tại đảo Lý Sơn. Cùng Vi vu Lý Sơn tìm hiểu thông tin chi tiết về 2 lễ hội này tại bài viết dưới đây.

Độc đáo văn hóa lễ hội của người dân huyện đảo Lý Sơn

Là một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam những năm gần đây, chắc hẳn đảo Lý Sơn đã là cái tên quá đỗi quen thuộc đối với những tín đồ đam mê xê dịch.

Nơi đây được đánh giá là “tuyệt tác của mẹ thiên nhiên” khi quy tụ những cảnh quan vô cùng xinh đẹp, được kết hợp hài hòa giữa nét đẹp của biển xanh, cát trắng, nắng vàng và sự hùng vĩ của những dãy núi lửa đồ sộ. Chưa dừng lại ở đó, đảo Lý Sơn còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của người dân vùng biển đảo nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. 

Hàng năm, đảo Lý Sơn vẫn duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, mang ý nghĩa trong việc:

  • Tưởng nhớ công lao của các bậc hiền nhân, các anh hùng đã khai hoang, lập đảo, giữ đảo;
  • Cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, bình an đến cho người dân huyện đảo;
  • Lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc…

Một số lễ hội độc đáo không chỉ có ý nghĩa với người dân huyện đảo Lý Sơn mà còn thu hút được sự quan tâm của cộng đồng yêu thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam có thể kể đến như:

  • Lễ hội đua thuyền Tứ Linh;
  • Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa;
  • Lễ hoàn nguyện, tạ ơn;
  • Lễ Trồng đu lên phướn;
  • Lễ cầu an;
  • Lễ cầu ngư;

Tiếp theo, hãy cùng Vi vu Lý Sơn tìm hiểu chi tiết về 2 lễ hội ngày Tết thiêng liêng trên huyện đảo Lý Sơn là lễ Tạ ơn và lễ Thượng nêu nhé.

Thiêng liêng 2 lễ hội ngày tết trên đảo Lý Sơn

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người dân trên huyện đảo Lý Sơn lại tổ chức nhiều lễ hội để tạm biệt năm cũ đã qua và chào đón một năm mới đến đầy hy vọng. Trong đó, lễ Tạ ơn và lễ Thượng nêu được xem là 2 lễ hội thiêng liêng và ý nghĩa nhất.

1. Lễ Tạ ơn

Hàng năm, cứ đúng vào thời điểm từ ngày 2 tháng Chạp đến ngày 23 tháng Chạp, người dân huyện đảo Lý Sơn lại rộn ràng mùa lễ tạ ơn (lễ hội hoàn nguyện).

Tại lễ hội này, người dân huyện đảo sẽ tiến hành các nghi lễ tạ ơn thần linh và tưởng nhớ công lao của các bậc hiền nhân đã khai hoang, lập đảo, các binh phu năm xưa đã không quản ngại khó khăn ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam. 

Lễ tạ ơn sẽ được tổ chức tại các đình làng, dinh, miếu trên huyện đảo. Thứ tự diễn ra tùy thuộc vào từng làng, tuy nhiên, thông thường sẽ là từ các miếu (của các lân) đến dinh (của thôn, xóm), lăng (thờ Cá Ông của các vạn), rồi mới đến đình (chung của làng). 

Khi tiến hành nghi lễ, các vị bô lão của các làng sẽ khoác lên mình những chiếc áo thụng xanh, thụng đỏ truyền thống Việt Nam. Điều này nhằm thể hiện sự trang trọng, uy nghiêm của buổi lễ. Tại nơi diễn ra lễ hội, tiếng trống, tiếng chiêng vang liên hồi, hòa cùng tiếng gió và sóng biển, tạo nên âm thanh vô cùng thiêng liêng, đi vào lòng người dân huyện đảo.

Tất cả người dân trên đảo Lý Sơn sẽ quy tụ về địa điểm diễn ra nghi lễ để ra mắt thần linh, tạ ơn một năm cũ đã qua và cầu bình an cho năm mới, mang hy vọng về một năm mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu, ngư dân ra khơi đầy ắp cá trở về.

>>>> Tham khảo thêm: Các địa điểm du lịch Lý Sơn.

2. Lễ Thượng nêu (Trồng đu, lên phướn)

Kết thúc lễ tạ ơn vào ngày 23 tháng Chạp, tờ mờ sáng ngày 24 tháng Chạp, tại các dinh, miếu, đình, nhà thờ tộc Lý Sơn sẽ diễn ra lễ Thượng nêu (hay còn gọi là lễ Trồng đu, lên phướn). Đây là nghi lễ khai xuân, đón tết cổ truyền đã được người dân huyện đảo Lý Sơn duy trì suốt hàng trăm năm nay.

Theo đúng phong tục ngày xưa để lại, vào ngày lễ thượng nêu, các bô lão sẽ tiến hành cúng bái thần linh, các bậc tiền hiền, binh phu Hoàng Sa và tổ tiên. Mâm cúng bái thần linh vào dịp lễ này sẽ bao gồm những lễ vật do tự tay người dân đánh bắt, trồng trọt trong năm. Trong đó, không thể thiếu món đặc sản Lý Sơn bánh ít lá gai và những loại hải sản quý đặc trưng của vùng biển nơi đây. 

Lễ hội được tiến hành với nguyện ý cảm tạ thần linh phù hộ cho một năm đã qua và cầu năm mới an khang, thịnh vượng. Đồng thời, đây cũng là dịp  để nhắc nhở tộc họ, con cháu trên huyện đảo tưởng nhớ về công ơn lớn lao của các bậc hiền nhân khai khẩn vùng đất đảo cũng như tri ân các vị hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa. 

>>>> Tham khảo thêm: Lịch sử hình thành Hải đội Hoàng Sa.

Sau khi kết thúc nghi lễ cúng trang trọng, người dân huyện đảo sẽ cùng nhau dựng cây nêu để nghinh xuân, đón chào năm mới. Tại huyện đảo Lý Sơn, cây nêu mang dáng vẻ độc đáo riêng, thể hiện tâm ý của người dân nơi đây như: đuổi trừ tà ma, mang lại may mắn, bình an, cầu nguyện một năm canh tác thuận lợi, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá....

Khi tất cả đình làng, dinh, miếu, nhà thờ tộc Lý Sơn có sự hiện hữu của cây nêu, thì cũng là báo hiệu một năm mới đầy phấn khởi đang tràn về trên huyện đảo.

Hy vọng, bài viết này của Vi vu Lý Sơn đã mang đến cho bạn hiểu biết sâu sắc hơn về hai lễ hội thiêng liêng dịp tết cổ truyền tại huyện đảo Lý Sơn. Qua đó, thể hiện tình yêu sâu sắc của người dân với văn hóa cổ truyền tại huyện đảo nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở về việc duy trì và phát huy tinh thần uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc ta. 

5.0(1 bình chọn)

Thiêng liêng lễ Tạ ơn, lễ Thượng nêu ngày Tết ở đảo Lý Sơn

5.0 1

Cậu Tỏi

Mang trong mình sự chất phác, vui vẻ, nồng hậu, Cậu Tỏi đã trở thành một người đồng hành để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các du khách đặt chân tới Lý Sơn. Là một người con Lý Sơn, Tỏi luôn sẵn lòng chia sẻ mọi điều hay ho và cùng bạn khám phá nét đẹp trong từng góc nhỏ của hòn đảo hoang sơ, thân thiện.